DTK Biotech-Vet - Tam Kỳ - Quảng Nam: Làm giàu từ nuôi gà Kiến Thùng

Ngành chăn nuôi tại TP Tam Kỳ thời gian qua có những chuyển biến rõ nét, quy mô nông hộ vẫn là chủ đạo. Trong đó, điển hình là mô hình chăn nuôi gà Kiên Thùng đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân địa phương.
Nhiều tiềm năng
Theo thống kê, tính tới giữa tháng 8/2016, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng 9 trang trại, 37 gia trại chăn nuôi heo hướng nạc, gà thịt thả vườn, gà lấy trứng với quy mô lớn và rất nhiều mô hình trồng cỏ nuôi bò lai thâm canh mang lại hiệu quả khá cao...
Trong đó, chăn nuôi gà được địa phương chú trọng và cũng là thế mạnh trong phát triển kinh tế nhiều năm qua. Tính đến thời điểm này, Tam Kỳ có 2 tổ hợp tác, 4 trang trại, 24 gia trại chuyên nuôi gà với tổng đàn hàng năm khoảng 250.000 con và hiện nay tiếp tục phát triển mạnh. Khi thực hiện chuỗi giá trị thịt gà, các cơ quan có trách nhiệm sẽ chọn mắt xích trọng tâm là Tổ hợp tác nuôi gà ta thả vườn Mười Tín ở thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng. Bởi, đây là mô hình có số lượng thả nuôi thường xuyên 20.000 - 25.000 con với diện tích đất sử dụng 10 ha, nằm trong quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư, hạ tầng thiết yếu đảm bảo. Đặc biệt, trang trại này đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2012. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hộ gia đình cho hiệu quả cao, tạo giá trị kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân.
Cơ hội mới từ gà Kiến Thùng
Gà Kiến Thùng là loại gà có nhiều ưu điểm như sức đề kháng cao, thích ứng được với nhiều môi trường, sản lượng tốt nên đã được nhiều người dân tại Tam Kỳ lựa chọn. Điển hình trong số đó là mô hình của chị Nguyễn Thị Tuyết, ở khối phố Ngọc Nam, P. An Phú, TP Tam Kỳ.
Gà Kiến Thùng có sức đề kháng cao, sản lượng tốt.
Tận dụng 1.600 m2 diện tích đất trong vườn nhà, vợ chồng chị Tuyết bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi gà Kiến Thùng thả vườn. Chị Tuyết cho biết, nhận thấy chăn nuôi gà đang là hướng đi cho hiệu quả kinh tế, nên gia đình chị quyết định đầu tư nuôi gà. Chị lựa chọn giống gà Kiến Thùng của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (Bình Định), với đặc điểm phát triển nhanh, lại ít dịch bệnh, chịu được nắng nóng. Giá con giống hiện ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg (trước đây là 15.000 - 20.000 đồng/con). Sau 3 - 3,5 tháng, gà đạt trọng lượng 1,8 - 1,9 kg/con là có thể xuất bán; với giá thị trường hiện là 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Kinh nghiệm của chị Tuyết trong quá trình nuôi là ngoài yếu tố thức ăn, phải luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo đúng lịch các loại bệnh thông thường của gà. Cùng đó, trú trọng việc vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên cho gà. Quan trọng hơn, để gà phát triển tốt, việc đầu tiên là phải nghiêm ngặt từ chọn giống, cách chăm sóc gà từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Cùng đó là vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên 1 lần/tuần. Ngoài ra, sau mỗi đợt xuất chuồng phải tiến hành vệ sinh vườn, rải vôi bột khử trùng, để vườn trống khoảng nửa tháng mới bắt đầu thả gà cho vụ nuôi tiếp theo. Ngoài ra, chị Tuyết còn tận dụng đất trống để trồng cây tràm keo, vừa tăng thu nhập, vừa có bóng mát, giúp gà phát triển nhanh và khỏe mạnh hơn.
Chị Tuyết cho biết thêm, thức ăn cho gà ngoài thức ăn chính là cám tổng hợp, chị còn bổ sung thêm lúa, ngô, rau, củ… giúp tăng dinh dưỡng cho gà. Trong quá trình nuôi, gà thường mắc bệnh dịch tả, nhưng do nuôi khép kín và kiểm soát tốt chuồng trại nên gia đình chị không chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào nuôi gà, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị Tuyết cũng gặp không ít khó khăn như lựa chọn nguồn thức ăn không chất lượng, yếu tố thời tiết và khâu chăm sóc…
Hiện, chị Tuyết nuôi 3 lứa gà Kiến Thùng mỗi năm, bình quân 1.000 - 1.500 con/lứa, sau trừ chi phí chị thu lãi 500 - 600 triệu đồng; giúp kinh tế gia đình ổn định hơn và dự kiến sẽ mở rộng khu sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, chị Tuyết còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà Kiến Thùng cho bà con địa phương với mong muốn giúp họ cùng vươn lên thoát nghèo. Đến với mô hình chăn nuôi gà Kiến Thùng của gia đình chị Tuyết, mọi người đều được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi một cách chu đáo.
>> Chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết, chăn nuôi nói chung trong đó có nuôi gà đang gặp khó khăn về tiêu thụ, giá thành con giống và thức ăn cao trong khi giá gà thương phẩm luôn bấp bênh. Do đó, để phát triển ổn định và bền vững, các ngành chức năng cần hỗ trợ hơn nữa về đầu ra cho người nuôi.

Đăng nhận xét