DTK Biotech-Vet - Làm sao vực dậy ngành chăn nuôi?

Người xưa có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo…”, chứng tỏ vai trò, lợi thế rất lớn của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển bền vững, cần gắn với quy hoạch sản xuất và liên kết tiêu thụ.
Chênh lệch cung - cầu
Vượt qua Tri Tôn, Chợ Mới trở thành địa phương có tổng đàn bò lớn nhất trên địa bàn tỉnh An Giang. Con bò gắn với cây bắp từng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Tuy nhiên, do Chợ Mới là địa phương có mật độ dân số cao nhất tỉnh, nơi “đất chật, người đông” nên rất khó phát triển chăn nuôi bò quy mô trang trại lớn, chủ yếu là nuôi hộ nhỏ lẻ. Đây là điều bất lợi trước áp lực cạnh tranh của bò nhập khẩu, vốn được nuôi quy mô công nghiệp lớn, chi phí rẻ. “Phát triển đồng cỏ rộng lớn, nuôi hàng trăm ngàn con dĩ nhiên giá thành thấp hơn nhiều so với nuôi vài con trong chuồng. Những năm gần đây, giá bò trong nước liên tục sụt giảm khiến người nuôi gặp khó khăn, đôi khi lỗ vốn. Tôi đang tính phương án nghỉ nuôi bò để chuyển sang các vật nuôi khác” - nông dân Nguyễn Văn Nên, xã Mỹ An (Chợ Mới), chia sẻ.
Phát triển heo sinh sản ở Thoại Sơn
Nếu như con bò nông hộ đang gặp khó thì ngành chăn nuôi nhỏ lẻ đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá heo hơi liên tục sụt giảm khiến nhiều người như “ngồi trên đống lửa”. “Mọi năm, heo Tết luôn có giá cao nên ai cũng ùn ùn nuôi heo bán dịp Tết. Tuy nhiên, trước Tết, heo lại bị dội, rớt giá. Nhiều người ráng neo sau Tết chờ giá lên nhưng giá càng rớt thảm. Hiện nay, thương lái mua chưa tới 3 triệu đồng/100kg, thấp hơn giá thành đầu tư mỗi con heo. Nguyên nhân của tình trạng này do người nuôi chỉ biết nuôi nhưng không biết thị trường cần sản lượng heo như thế nào” - chị Trần Thị Thủy, xã Núi Tô (Tri Tôn), lo lắng.
Có một nghịch lý, mặc cho giá bò, heo hơi giảm mạnh, giá bán thịt tại chợ chỉ giảm nhỏ giọt. “Từ sau Tết đến giờ, tôi vẫn phải mua thịt heo ở chợ với giá trên dưới 75.000 đồng/kg, tính ra hơn gấp đôi so với giá heo hơi. Tôi có thắc mắc với tiểu thương rằng, giá heo hơi giảm từ mức trên 40.000 đồng xuống dưới 30.000 đồng/kg, tức giảm gần 30%, tại sao giá thịt heo chỉ giảm có 5%, họ nói do các đầu nậu phân phối giảm ít nên giá bán phải giữ mức cao. Rõ ràng, khâu tiêu thụ, phân phối đang có vấn đề. Mặc cho người nuôi chịu lỗ, người tiêu dùng phải mua giá cao, chỉ có thương lái là hốt bạc” - bà Nguyễn Thị Hà, thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), bức xúc.
Quy hoạch gắn với liên kết
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, để khai thác hiệu quả ngành chăn nuôi, tỉnh có chính sách khuyến khích chăn nuôi lớn, chuyển dịch dần chăn nuôi trang trại từ vùng mật độ dân số cao (Chợ Mới, Phú Tân, Long Xuyên) đến nơi có mật độ dân số thấp (Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, TP. Thoại Sơn, Châu Thành). Đồng thời, hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xa thành phố, khu dân cư. Trong từng địa phương, hình thành các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm theo quy hoạch và các sản phẩm chăn nuôi chủ lực để tập trung đầu tư. Định hướng này sẽ giúp phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe người dân.
Cùng với quy hoạch vùng nuôi, tỉnh ưu tiên tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, từng bước tổ chức lại chăn nuôi gia trại, nông hộ. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trung tâm trong tổ chức sản xuất, thực hiện liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hội, hiệp hội ngành hàng, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đối với hệ thống giết mổ, An Giang sẽ hình thành và từng bước đưa vào hoạt động hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo hướng tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm.
Đối với bò thịt, trước mắt, tỉnh vẫn định hướng phát triển ở các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú, mở rộng sang những vùng có tiềm năng như: TX. Tân Châu, Phú Tân, Thoại Sơn và An Phú. Đối với bò sinh sản, sẽ phát triển ở các vùng truyền thống, có khả năng đầu tư công nghệ cao như Tri Tôn và Tịnh Biên. Phấn đấu đến năm 2020, đàn bò của tỉnh đạt 120.000 con, tăng 34,1% so năm 2016. Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng bò thịt chất lượng cao (3/4 máu ngoại, mang các giống Brahman, Angus, Droughmaster, Charolaise…). Đồng thời, chuyển dần từ chăn nuôi kiêm dụng, nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, nông hộ thâm canh, bán thâm canh; phát triển vùng nguyên liệu (vùng trồng cây thức ăn thô xanh) gắn liền với các địa phương phát triển chăn nuôi bò.
Đối với heo, đánh giá nhu cầu vẫn còn lớn, tỉnh ưu tiên phát triển các giống Yorkshire, Landrace, Duroc… để đến năm 2020, đàn heo đạt 320.000 con (tăng 194,41% so năm 2016). Tuy nhiên, sẽ giảm dần đàn heo ở các phường của TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, tăng đàn heo ở Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn và Tịnh Biên. Tỉnh cũng đang xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi heo tập trung gắn với thị trường tiêu thụ...
BiotechVET tổng hợp theo Báo An Giang

Đăng nhận xét