DTK Biotech-Vet - Phát triển mô hình nuôi heo rừng ở Ea Kar

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn đầu tư nuôi heo rừng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình chị Bế Thị Xanh (thôn 4) là một trong những hộ tiên phong nuôi heo rừng ở Ea Sar. Hiện trang trại của gia đình chị có hơn 80 con heo rừng, trong đó 40 heo nái liên tục sinh sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Trước đây, kinh tế của gia đình chị phụ thuộc vào 1 ha đất cà phê xen tiêu nhưng đất xấu nên hiệu quả không cao. Năm 2012, chị đã bỏ ra 15 triệu đồng mua 5 con heo rừng giống của Công ty Heo rừng Tây Nguyên về nuôi, chỉ trong vòng 1 năm chị đã thu hồi vốn và có lời. Thấy đàn heo sinh trưởng, phát triển tốt chị đã mạnh dạn mở rộng chăn nuôi, mỗi năm trại heo của gia đình chị xuất khoảng 200 con heo giống và thịt ra thị trường. Với giá bán như hiện nay, từ 120 - 180.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí chị Xanh thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Đàn heo rừng của gia đình chị Bế Thị Xanh.
Nuôi heo rừng được xem là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Trần Thị Hiển (thôn 3), với quy mô chăn nuôi hơn 100 con heo rừng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo bà Hiển, nuôi heo rừng khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, nguồn thức ăn sẵn có như bẹ chuối, lá keo, cỏ voi… Mỗi con heo rừng nái trung bình đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 6-9 con. Sau 8 tháng đã có thể xuất chuồng, với cân nặng từ 20-30 kg/con nên lợi nhuận từ việc nuôi heo rừng cao hơn gấp nhiều lần so với trồng hoa màu.
Nhận thấy heo rừng là vật nuôi có thể giúp cho người dân vươn lên làm giàu nhờ nguồn thu nhập ổn định, cuối năm 2016, UBND xã Ea Sar đã hỗ trợ giống heo rừng cho 4 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số với tổng số vốn hơn 40 triệu đồng để phát triển kinh tế. Đến nay, hầu hết heo giống của các hộ gia đình này đang chuẩn bị đẻ lứa đầu, mở ra hướng thoát nghèo cho bà con nông dân.
Ông Trần Văn Âm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sar cho biết: “Với những ưu điểm như chất lượng thịt tốt, năng suất cao, ít bệnh tật, không kén thức ăn, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống nên nuôi heo rừng đang là 1 trong những mô hình chăn nuôi được người dân của trên địa bàn xã lựa chọn, nhiều hộ gia đình đã phát triển thành trang trại chăn nuôi quy mô đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn xã có 14 hộ nuôi heo rừng với tổng đàn hơn 500 con, xã phấn đấu trong năm 2017 sẽ tăng số hộ nuôi lên 40 hộ”.
Cũng theo ông Âm, xã có hơn 3.600 ha đất nông nghiệp nhưng chủ yếu là đất xám bạc màu, mưa ngập úng, nắng lại khô hạn nên năng suất cây trồng không cao, nhưng với lợi thế đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn dồi dào lại là điều kiện thuận lợi để xã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi heo rừng. Hiện nay, xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với mật độ cao 100 ha tại buôn Sê Đăng, khu vực chân đồi Chư Blem trong đó ưu tiên phát triển nuôi heo rừng, hướng đến thành lập Hợp tác xã nuôi heo bản địa trên địa bàn xã để có đủ tư cách pháp nhân cũng như điều kiện để hỗ trợ người dân trong chăn nuôi vào tạo đầu ra ổn định, tạo chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu heo rừng Ea Sar trên thị trường.
BiotechVET tổng hợp theo Báo Đắk Lắk

Đăng nhận xét