DTK Biotech-Vet - Hướng dẫn nuôi bò Lai Sind

Nhằm nâng cao chất lượng đàn bò Việt Nam, Nhà nước đã tiến hành chương trình Sind hóa đàn bò trên cả nước nghĩa là sử dụng bò đực Sind hoặc tinh của nó phối cho bò Vàng Việt Nam để tạo ra con Lai Sind có tầm vóc lớn hơn.
Để nuôi bò Lai Sind đạt hiệu quả đòi hỏi người nuôi phải biết chăm sóc đúng kỹ thuật và đảm bảo lượng thức ăn cho bò. Sau đây chúng tôi xin được phổ biến tới bà con chăn nuôi một số đặc điểm cơ bản về bò Lai Sind cũng như kỹ thuật nuôi dưỡng:
1. Khái niệm:
Bò Lai Sind là kết quả tạp giao giữa bò Red Sindhi hoặc bò Sahiwal với bò Vàng Việt Nam. Tỷ lệ máu của bò Lai Sind thay đổi rất lớn giữa các cá thể và do đó mà ngoại hình và sức sản xuất cũng thay đổi tương ứng.
Hướng dẫn nuôi bò Lai Sind
2. Ngoại hình:
Ngoại hình của bò Lai Sind trung gian giữa bò Sind và bò Vàng VN.
+ Đầu hẹp, trán gồ, tai to cụp xuống.
+ Rốn và yếm rất phát triển: yếm kéo dài từ hầu đến rốn; nhiều nếp nhăn.
+ U vai nổi rõ. Âm hộ có nhiều nếp nhăn.
+ Lưng ngắn, ngực sâu, mông dốc.
+ Bầu vú khá phát triển, đuôi dài, chót đuôi thường không có xương.
+ Màu lông thường là vàng hoặc sẫm, một số ít con có vá trắng.
3. Tính năng sản xuất:
Thể vóc lớn hơn bò Vàng:
+ Khối lượng sơ sinh 17 – 19kg,
+ Trưởng thành 250 – 350kg đối với con cái, 400 – 450 kg đối với con đực.
+ Có thể phối giống lần đầu lúc 18 – 24 tháng tuổi.
+ Khoảng cách lúa đẻ khoảng 15 tháng.
+ Năng suất sữa khoảng 1200 – 1400kg/240 – 270 ngày, mỡ sữa: 5 – 5,5
+ Có thể dùng làm nền để lai với bò sữa tạo ra các con lai cho sữa tốt.
+ Tỉ lệ thịt xẻ 48 – 49% (bò thiến).
+ Có thể dùng làm nền để lai với bò đực chuyên dụng thịt thành bò lai hướng thịt.
Bò này có khả năng cày kéo tốt: sức kéo trung bình 560 – 600N, tối đa: cái 1300 – 2500N,đực 2000 – 3000N.
Bò Lai Sind chịu đựng kham khổ tốt, khả năng chống bệnh tật cao, thích nghi tốt được với khí hậu nóng ẩm.
4. Kỹ thuật nuôi bò lai Sind:
4.1. Chọn giống:
a. Chọn nuôi thịt
Chọn những con tốt, thân hình vạm vỡ, mình tròn, phía mông và vai phát triển như nhau giống hình trụ. Nên biết rõ nguồn góc và tính năng sản xuất của đời bố mẹ.
b. Chọn nuôi sinh sản
Chọn những con cái nhanh nhẹn, da mỏng, lông thưa, thuần tính, hiền lành, có sự hài hoà giữa các phần đầu và cổ, thân và vai; ngực sâu, rộng, bầu vú phát triển.
4.2. Thức ăn, dinh dưỡng:
– Nguồn thức ăn chủ yếu của bò gồm các loại cỏ tươi, rơm rạ, cỏ khô, thức ăn xanh thô và củ, quả…
– Ngoài ra nên sử dụng thức ăn ủ chua hoặc rơm được kiềm hóa và thức ăn tinh chế chủ động trong việc tìm thức ăn cho bò.
4.3. Nuôi dưỡng, chăm sóc, thú y:
4.3.1 Nuôi dưỡng, chăm sóc
– Bò cái chửa: Cần cho ăn uống đầy đủ, tránh cày kéo nặng, đặc biệt là ở những tháng chửa cuối cùng. Nhu cầu ăn mỗi ngày là: 25 – 30kg cỏ tươi, 2kg rơm, 1 kg thức ăn tinh và 20 – 30g muối.
– Bò cái nuôi con: Ngoài khẩu phần trên, cần cho thêm các thức ăn củ quả tươi và thức ăn tinh để bò cái tăng khả năng tiết sữa nuôi con.
– Bê con: Tập cho bê con ăn cỏ khô từ tháng thứ 2, cỏ tươi và củ quả từ tháng thứ 4 và cai sữa từ tháng thứ 6. Khi trời nắng ấm nên cho bê con vận động tự do. Nhu cầu ăn mỗi ngày 5 – 10kg cỏ tươi, 0,2 – 0,3kg thức ăn tinh.
– Bê từ 6 – 24 tháng: Trường hợp nuôi chuồng phải thường xuyên cho bò, bê ra sân vận động từ 2 – 4 giờ/ngày. Nhu cầu ăn một ngày: 10 – 15kg cỏ tươi và cho ăn thêm các thức ăn tận dụng khác như ngọn mía, dây khoai, rơm rạ, cỏ khô, cỏ ủ chua và củ quả thay thế.
– Để có bò thịt đạt khối lượng cuối cùng khi giết thịt từ 250 – 300kg lúc 24 tháng tuổi cần nuôi vỗ béo bò trong khoảng 80 – 90 ngày trước khi bán bằng thức ăn tinh 1 kg/con/ ngày.
Chú ý :
Muốn nuôi bò thịt có hiệu quả kinh doanh cao, người chăn nuôi phải biết tận dụng khả năng tiêu hóa thức ăn xanh thô của chúng. Cho bò ăn no, đủ cỏ tươi và các loại củ quả. Trường hợp thiếu cỏ tươi có thể thay thế:
1kg cỏ khô = 4 – 5kg cỏ tươi
1kg cỏ ủ chua, 1kg rơm ủ urê, 1 kg củ quả = 2kg cỏ tươi
4.3.2. Thú y
Thực hiện tốt lịch tiêm phòng các loại bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng… theo quy định của ngành thú y đề ra. Định kỳ tẩy giun, sán (sán lá gan, sán dạ cỏ…) cho bò bằng các loại thuốc đặc hiệu như dùng thuốc tẩy giun Lêvamisol với liều lượng 1ml/8-10 kg trọng lượng bò hơi; thuốc tẩy sán DextilB với liều 1 viên thuốc dùng cho 75 kg trọng lượng bò hơi, phòng trị các loại bệnh ký sinh trùng đường máu cho bò.

Đăng nhận xét