DTK Biotech-Vet - Phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà Hồ

Gà Hồ có nhiều đặc tính như chất lượng thịt thơm ngon, ngoại hình đẹp, khối lượng trưởng thành lớn… nhưng nhược điểm là khả năng sinh sản thấp. Việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo trên gà Hồ thành công sẽ góp phần bảo tồn đàn giống gốc, phát triển mở rộng loại gà quý này.
Vật liệu nghiên cứu
Đàn gà trống (n = 30) được 30 tuần tuổi; khối lượng khoảng 4 - 5,5 kg được sử dụng để đánh giá chất lượng tinh dịch. Có 45 cá thể mái trưởng thành (30 tuần tuổi,  nặng 3 - 3,5 kg) được sử dụng để đánh giá hiệu quả của phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Gà thí nghiệm được cho ăn bằng thức ăn tự phối chế bao gồm:  ngô vàng, thóc tẻ, cám gạo…
Gà Hồ được nhiều địa phương chú trọng nhân rộng  Ảnh: CTV
Gà Hồ được nhiều địa phương chú trọng nhân rộng     Ảnh: CTV
 
Phương pháp nghiên cứu
Huấn luyện, khai thác và đánh giá chất lượng tinh của gà trống
Gà trống được huấn luyện phản xạ xuất tinh theo phương pháp massage vùng bụng theo phương pháp lake (1983). Vào các buổi chiều, gà được massage nhẹ trên da ở vùng bụng dưới, vuốt theo chiều từ lỗ huyệt đến mỏm xương ức. Mỗi lần vuốt từ 5 - 10 lần, mỗi lần cách nhau 2 giây.
Khi gà trống đã hưng phấn, đưa miệng ống thu tinh và lỗ huyệt đế hứng lấy toàn bộ tinh dịch xuất ra rồi đổ vào ống nghiệm. Thay dụng cụ đựng tinh sau mỗi lần lấy tinh. Loại bỏ ngay những tinh dịch có màu sắc khác thường như: màu đỏ (bị lẫn máu) hoặc màu xanh (có thể bị lẫn phân).
Thời gian huấn luyện tinh dịch được xác định các chỉ tiêu: tỷ lệ gà có phản xạ xuất tinh ngay lần đầu, sau 3 ngày huấn luyện, sau 7 ngày huấn luyện và không có phản xạ xuất tinh.
Phẩm chất tinh của gà trống: Chọn 10 trống có phản xạ xuất tinh ngay lần đầu tiên trong tổng số 30 trống ban đầu để khai thác và kiểm tra phẩm chất tinh dịch. Chất lượng tinh dịch được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: màu sắc, độ pH, thể tích (V - ml); hoạt lực (A - %), nồng độ (C - triệu/ml); VAC (tỷ/lần) và tỷ lệ % tinh trùng kỳ hình (K - %).
Màu sắc tinh dịch được xác định thông qua mắt thường.
Thể tích tinh dịch (V - ml) được xác định bằng cốc đong chia vạch.
Giá trị pH tinh dịch được đo bằng máy pH (Metter Toledo MP 220).
Hoạt lực A (%): được xác định bằng số tinh trùng tiến thẳng so với tổng số tinh trùng quan sát trong vi trường của kính hiển vi với độ phóng đại 100 - 300 lần.
Nồng độ tinh trùng C (triệu/ml): được xác định bằng máy xác định nồng độ tinh trùng SDM5 của hãng Minitube, Đức.
Tổng số tinh trùng tiến thẳng VAC (tỷ/lần xuất tinh): được xác định bằng tích của ba chỉ tiêu V, A và C.
Tỷ lệ tinh trùng kỳ hình K (%): được xác định bằng phương pháp nhuộm và soi trên kính hiển vi với độ phóng đại 400 - 600 lần.
Xác định ảnh hưởng của liều lượng tinh dịch, tần suất phối giống và phương pháp phối giống trong TTNT đến kết quả ấp nở của gà mái.
Gà mái được nuôi nhốt riêng từng cá thể. Các bước dẫn tinh cho gà mái được tiến hành như sau: nhẹ nhàng bắt gà mái, ôm gà như tư thế lấy tinh gà trống. Dùng tay còn lại vén nhẹ đuôi gà lên để bộc lộ huyệt của nó. Sau đó, dùng ống hút hút tinh dịch theo lượng đã định, đưa và bơm trực tiếp tinh dịch vào âm đạo của gà mái, sau đó nhẹ nhàng thả gà ra.
Tinh dịch thụ tinh cho gà mái là tinh nguyên chất, không pha loãng. Tần số thụ tinh cho gà mái là 3 ngày/1 lần, liều lượng/lần phối là 0,05 ml.
ga ho
Phối giống xong, trứng được thu nhặt ngay sau khi đẻ, chọn lọc và cho ấp nở. Trứng đưa vào ấp được đánh dấu với ký hiệu riêng của từng con mái và thời gian đẻ, thời gian đưa vào máy ấp. Khi trứng được ấp 10 ngày thì tiến hành soi trứng để loại bỏ những quả trứng không có phôi hoặc chết phôi. Theo dõi số gà con nở ra và số gà con loại I.
Kết quả
Phẩm chất tinh dịch gà trống
Tỷ lệ gà trống có phản xạ xuất tinh ngay lần đầu, sau 3 ngày, sau 7 ngày và không có phản xạ xuất tinh lần lượt là 73,33%; 6,67%; 3,33% và 16,67%, thấp hơn các kết quả đã công bố của Nguyễn Thiện và Đào Đức Thà (1998). Alkan et al. (2001) cho rằng, gà trống sau khi tách khỏi đàn mái 3 - 4 ngày đã có thể thể lấy tinh được 80 - 85% số con ngay từ lần lấy tinh đầu tiên. Thao tác lấy tinh có ảnh hưởng lớn đến phản xạ xuất tinh của gà trống.
Kết quả về màu sắc tinh dịch gà trống có 3 màu chính là: trắng sữa (70%); trắng trong (20%) và trắng đục (10%); tương tự như tinh dịch của gà ri trong công bố của Đào Đức Thà (2003).
Tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần xuất tinh (VAC) và tỷ lệ tinh trùng kỳ hình của gà trống lần lượt là 1,59 tỷ tinh trùng/1ml và 12,06%. Kết quả này tương đương với công bố của Đào Đức Thà (2003) trên gà Mía: tỷ lệ tinh trùng kỳ hình là 12,2%, nhưng thấp hơn so với công bố của Nigeria (Ajayi et al., 2011) khi nghiên cứu trên 3 giống gà địa phương trong môi trường nhiệt đới ẩm.
Chất lượng tinh dịch tốt: VAC đạt 1,60 tỷ/lần; tỷ lệ tinh trùng kỳ hình chỉ 12% và pH là 7,1. Khai thác tinh gà trống với tần suất 3 ngày/ lần là cho kết quả tốt nhất, có thể đạt 1,6 - 1,7 tỷ/lần lấy tinh.
Khả năng sinh sản của gà mái khi được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
TTNT cho gà mái đem lại kết quả ấp nở tốt hơn rõ rệt so với giao phối tự nhiên. Đặc biệt là tần số thụ tinh cho gà mái này còn phù hợp với tần suất khai thác tinh của gà trống. Thể tích cho mỗi lần là 0,05 ml cho hiệu quả cao nhất. Tỷ lệ trứng có phôi/số trứng đem ấp của gà mái được thụ tinh bằng phương pháp TTNT là 92,51%, cao hơn 12,67% so với những gà mái được thụ tinh bằng phương pháp thụ tinh trực tiếp. Tỷ lệ trứng có phôi của gà mái được thụ tinh bằng phương pháp TTNT cao hơn so với phương pháp giao phối trực triếp được giải thích là do gà mái có thân hình to, chậåm chạp dẫn đến khả năng đạp mái kém. Ngoài ra, gà trống có khối lượng lớn nên khi đạp mái con trống thường làm con mái bị thương dẫn đến con mái thường không chịu trống.
Tỷ lệ gà con loại 1/số trứng ấp của gà mái được thụ tinh bằng phương pháp TTNT là 78,01%, cao hơn 11,02% so với những gà  mái được thụ tinh bằng phương pháp giao phối trực tiếp.

Đăng nhận xét