DTK Biotech-Vet - Phát triển mô hình chăn nuôi sạch

Anh Bùi Văn Thảo ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang (Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã có kinh nghiệm hàng chục năm trong việc nuôi dê thương phẩm. Điều anh tâm đắc nhất khi phát triển nghề này không phải chỉ là mở rộng quy mô, tăng thu nhập cho gia đình mà quan trọng hơn cả là hình thành mô hình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, từ đó cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch, góp phần thiết thực để xây dựng, củng cố thương hiệu dê núi Ninh Bình.
Theo kinh nghiệm của anh Thảo, dê được đánh giá là vật nuôi có sức đề kháng khá tốt, nhưng nếu không chú ý làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, nắm chắc và thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh thì dê vẫn dễ dàng bị mắc một số bệnh như viêm phổi, đầy bụng… Thực tế cách đây nhiều năm khi bắt đầu triển khai mô hình này, do chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề vệ sinh thú y nên đã có những thời điểm đàn dê của gia đình anh Thảo liên tục mắc bệnh gây thiệt hại không nhỏ. Nhưng cũng chính những thất bại này đã cho anh “kinh nghiệm xương máu” nếu muốn phát triển đàn dê, đó là phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, đồng thời phải luôn chú trọng tới vệ sinh trong chăn nuôi, trước hết là vệ sinh chuồng trại. Về kỹ thuật làm chuồng trại, người chăn nuôi phải có sự đầu tư nghiêm túc ngay từ đầu, tránh làm qua loa, tạm bợ, đảm bảo chuồng thông thoáng không bị nắng nóng, mưa tạt, gió lùa… Ngoài ra để tạo điều kiện cho đàn dê phát triển khỏe mạnh, săn chắc, chất lượng thịt ngon cần có không gian chăn thả, nguồn thức ăn phong phú. Với yêu cầu này, anh Thảo đang cố gắng tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên của địa phương.
Được biết, cùng với những nỗ lực của bản thân, năm 2016 trong quá trình triển khai Đề án Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn, anh Thảo đã được Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Hoa Lư tư vấn hỗ trợ để anh và một số hộ nuôi dê khác xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi dê đủ điều kiện vệ sinh thú y. Khi tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn, chuyển giao giống dê Sanen,… Có kinh nghiệm thực tế lại nắm bắt được những kiến thức khoa học từ các lớp tập huấn, anh Thảo không chỉ áp dụng ở mô hình chăn nuôi của gia đình mà còn sẵn sàng chuyển giao, chia sẻ, giúp đỡ bà con trong xã mở rộng mô hình.
Với cách làm chú trọng vệ sinh trong chăn nuôi, đến nay, đàn dê của gia đình anh Thảo đã phát triển bền vững, hệ thống chuồng trại luôn được bố trí sạch sẽ, thoáng mát, quy mô đàn vật nuôi khá lớn với 100 con cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt mô hình nuôi dê này còn được Chi cục Thú y tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Được biết, hiện nay anh Thảo còn là Giám đốc của HTX chăn nuôi dê Ninh Bình với quy mô khoảng 2.000 con. Hợp tác xã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh thịt dê đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thịt dê của hợp tác xã hiện nay được giết mổ, đóng gói, bảo quản theo tiêu chuẩn, được các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Ninh Bình tiêu thụ.

Đăng nhận xét