Biotech-VET- Phát triển hiệu quả kinh tế cao với mô hình trang trai tại Quảng Xương

Cùng với những cơ chế chính sách khuyến khích của tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế trang trại, huyện Quảng Xương đã xây dựng và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, như: Hỗ trợ 200 triệu đồng cho xây dựng trang trại quy mô nhỏ, 400 triệu đồng cho trang trại quy mô vừa và 600 triệu đồng cho trang trại quy mô lớn, hỗ trợ 40% giá trị mua giống lợn ngoại... Ngoài ra, huyện Quảng Xương còn triển khai thực hiện đề án khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để hợp tác sản xuất hàng hóa quy mô lớn giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đến nay, toàn huyện có 102 trang trại quy mô lớn, trong đó có 58 trang trại được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các trang trại trên địa bàn huyện Quảng Xương chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Diện tích trang trại bình quân 1,7 ha, bình quân thu nhập 200 triệu đồng/trang trại/năm. Thông qua những mô hình kinh tế trang trại, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức khoa học – kỹ thuật cách làm hay để ứng dụng và từng bước nhân ra diện rộng. Nhiều trang trại trên địa bàn đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp với hầm, bể biogas, bảo đảm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các trang trại, gia trại còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Điển hình trong phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn là xã Quảng Phong có 10 trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/trang trại/năm; xã Quảng Hợp có 4 trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn theo mô hình liên kết thu nhập hơn 1 tỷ đồng/trang trại/năm; xã Quảng Định có 3 trang trại chăn nuôi gia cầm và 1 trang trại nuôi trồng thủy sản, thu nhập 1 tỷ đồng/trang trại/năm...


Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Quảng Xương vẫn còn nhiều khó khăn như: Các trang trại trên địa bàn huyện chủ yếu sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế chuyển mục đích sang phát triển trang trại nên hồ sơ chuyển đổi còn vướng mắc. Do tâm lý của các chủ trang trại sợ gặp nhiều khó khăn khi thuê đất với cấp huyện nên chỉ thuê đất thời hạn 5 năm với UBND các xã. Số trang trại được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại còn ít, gây thiệt thòi trong việc thụ hưởng các cơ chế khuyến khích của Nhà nước đối với kinh tế trang trại. Tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của trang trại là khá phổ biến. Việc tiêu thụ sản phẩm phần lớn tự phát hoặc thông qua trung gian. Cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thủy lợi, cơ sở chế biến, điện nước) thiếu đồng bộ nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của trang trại và các ngành dịch vụ có liên quan chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế trên, hiện huyện Quảng Xương đang tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng chăn nuôi tập trung. Từng bước chuyển trang trại đang nằm trong khu dân cư đến vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong trang trại. Nâng cao trình độ quản lý trang trại, quản lý sản xuất, kinh doanh và trình độ khoa học kỹ thuật cho các chủ trang trại. Khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Hướng dẫn cho chủ trang trại lựa chọn cơ cấu các loại cây, con phù hợp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giống mới... trong sản xuất cho từng loại hình trang trại.

Nguồn: http://nhathuocthuy.vn/quang-xuong-phat-trien-hieu-qua-kinh-te-cao-voi-mo-hinh-trang-trai-T40d0v5425.htm

Đăng nhận xét