DTK Biotech-Vet - Mô hình làm giàu từ nghề nuôi thỏ lai nhập ngoại

 Thời gian qua, tại nhiều địa phương của tỉnh, người nông dân đang hào hứng với mô hình nuôi thỏ lai đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với nhiều ưu điểm như: Thỏ lai rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, có chi phí đầu tư thấp, giá bán trên thị trường ổn định, chất lượng thịt thơm ngon… Đến nay, mô hình này đã khẳng định hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp nông dân nâng cao thu nhập và thoát nghèo.
Trên địa bàn huyện Lập Thạch, kể từ năm 2013, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao khoa học công nghệ của tỉnh tiến hành thực hiện thí điểm dự án nuôi thỏ lai Niu Di-lân sinh sản tại hai xã Đình Chu và Văn Quán, quy mô ban đầu có 8 hộ tham gia và đến nay đã được nhân rộng ở nhiều nơi.
Gia đình ông Trần Văn Lục ở Thôn Han, xã Ngọc Mỹ bắt đầu nuôi thỏ từ năm 2014 với mô hình 40 thỏ nái, 20 thỏ đực. Sau nhiều lần nhân giống và xuất bán, đến nay tổng số thỏ nái sinh sản, thỏ thương phẩm của gia đình đã lên tới 100 con. Theo ông Lục, giống thỏ lai này dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, giá bán ổn định.
Sau 5- 6 tháng nuôi, thỏ nái bắt đầu sinh sản, bình quân từ 6- 8 lứa/năm, mỗi lứa trung bình từ 6- 10 con; mỗi tháng, gia đình ông Lục cung cấp cho thị trường từ 1- 1,5 tạ thịt thỏ thương phẩm. Với giá bán trung bình hiện nay vào khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa thỏ gia đình ông thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Từ những thành công bước đầu của các hộ tham gia mô hình, hiện toàn huyện đã nhân rộng ra được 200 hộ trên địa bàn 11 xã với tổng đàn gần 3.000 con. Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, đây là mô hình có hiệu quả cao, đàn thỏ sinh trưởng, phát triển và thích nghi khá tốt, bước đầu góp phần hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Hiện nay, xã Ngọc Mỹ là địa phương có số lượng đàn thỏ lai Niu Di-lân sinh sản lớn nhất trong huyện Lập Thạch. Theo ông Nguyễn Văn Thống- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nhận thấy mô hình chăn nuôi thỏ có tính chất bền vững, đem lại lợi nhuận cao, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ chuyển từ chăn nuôi lợn, gà đẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi thỏ lai Niu Di-lân sinh sản.
Mô hình này cũng đang được phát triển rộng rãi trên địa bàn huyện Tam Đảo mà điển hình là trang trại nuôi thỏ quy mô, cho thu nhập cao của anh Nguyễn Mạnh Thắng ở xã Yên Dương. Trước khi nuôi thỏ, anh Thắng cũng đã từng chăn nuôi gà thương phẩm, nhưng sau một thời gian, nhận thấy hiệu quả không cao nên anh quyết định bán thanh lý hết số gà dù lỗ vốn để tìm một mô hình chăn nuôi mới.
Từ năm 2014, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Thắng đầu tư mua hơn 80 con thỏ giống Niu Di-lân, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau gần 3 tháng, anh xuất bán lứa thỏ thương phẩm đầu tiên cho lãi 40.000 đồng/con. Từ kết quả đạt được, năm 2015, anh tiếp tục đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng VietGAP. Đến nay, trại thỏ của anh được nhân rộng lên 250 con thỏ cái, 40 con thỏ đực, 1.400 thỏ thương phẩm, 300 thỏ giống để cung cấp ra thị trường.
Anh Thắng cho biết: Giống thỏ nhập ngoại này có đặc điểm sinh sản tốt, thức ăn dễ kiếm, hơn nữa vật nuôi lại rất thích hợp với khí hậu ở Việt Nam. Tuy nhiên, do những ngày đầu anh chưa nắm bắt được kỹ thuật nên thỏ hay bị chết do bị bệnh đường ruột. Anh đã phải thường xuyên đi đến các trang trại khác để học hỏi kỹ thuật, từ việc vệ sinh máng ăn, máng uống đến vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho thỏ đều phải cẩn thận, sạch sẽ mới giúp cho thỏ phát triển tốt.
Nhờ tích lũy dần kinh nghiệm chăm sóc nên tình trạng thỏ chết rải rác trước đây không còn, số lượng thỏ của anh ngày một tăng lên. Với giá thỏ giống xuất bán từ 150.000- 170.000 đồng/kg, thỏ thịt 80- 85.000 đồng/kg, bình quân mỗi tháng, gia đình anh thu lãi khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Bên cạnh đó, để đầu ra cho thỏ được ổn định, anh Thắng còn mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Tam Đảo và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Lipon joki Việt Nam. Kể từ đó, đầu ra cho thỏ thương phẩm của anh luôn ổn định, dần tạo thành một chuỗi các trang trại thỏ, cho thu nhập cao.
Anh Thắng chia sẻ thêm: Đối với các hộ tham gia HTX, thời gian nuôi từ khi thỏ đẻ đến lúc xuất bán khoảng 90 ngày, nếu người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt đúng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, khi xuất bán thỏ đạt tiêu chuẩn trọng lượng từ 2,3kg/con trở lên, khỏe mạnh, không bị dị tật sẽ có giá trên 170.000 đồng/con. Những hộ trung bình một tháng xuất được khoảng 500 con thỏ đạt tiêu chuẩn vào nhà máy sẽ cho thu lãi 20 triệu đồng/tháng.
Sau thời gian đầu thành lập và đi vào hoạt động ổn định theo hình thức liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm, đến nay, HTX chăn nuôi Tam Đảo đã chiếm được niềm tin, sự tham gia nhiệt tình của đông đảo hộ xã viên thôn Quang Đạo, xã Yên Dương. Nhờ lựa chọn được hướng đi đúng, cách làm hay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó giúp nhiều hội viên, nông dân có cuộc sống khấm khá hơn. 
Với chi phí đầu tư cho chuồng trại thấp; nguồn thức ăn cho thỏ lai dễ kiếm, có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có, chủ yếu là các loại thức ăn thô xanh như thân, lá các loại cây họ đậu, cây sắn, khoai lang, cỏ voi, su hào… không tốn nhiều chi phí. Ngoài ra, với khả năng thu hồi vốn nhanh, phù hợp quy mô chăn nuôi của hộ gia đình, mô hình nuôi thỏ lai Niu Di-lân sinh sản đã chứng tỏ là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, nhất là tại các địa phương có thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, có diện tích chăn nuôi rộng, xa khu tập trung đông dân cư.
BiotechVET  tổng hợp theo HND

Đăng nhận xét